Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc
Đến dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy Bắc Giang, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành...
Mục đích của hoạt động này nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương, đưa nhanh kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào ứng dụng và thương mại hóa phục vụ đời sống xã hội, đồng thời là cơ hội để các tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp của doanh nghiệp địa phương trong cả nước được gặp gỡ, trao đổi, hợp tác với nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu về công nghệ của các địa phương. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN cũng như tạo ra bước phát triển mới trong việc đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Lễ khai mạc
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhấn mạnh: “Hoạt động trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ lần này nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Bộ KH&CN với UBND các tỉnh, thành, khu vực Bắc Bộ trong chỉ đạo hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ. Với chuỗi hoạt động diễn ra trong sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN cũng như tạo ra bước phát triển mới trong việc đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ tại các địa phương trong thời gian tới”
Năm nay, hoạt động này có sự tham gia của hơn 250 đơn vị trong nước và quốc tế, bao gồm: 23 Sở KH&CN; 06 Viện nghiên cứu; 08 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN địa phương; 14 doanh nghiệp nước ngoài đến từ các quốc gia: Trung Quốc, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Nhật Bản cùng hơn 200 doanh nghiệp trong nước và nhóm nghiên cứu mạnh với hơn 170 loại quy trình, công nghệ, kết quả và sản phẩm thuộc các lĩnh vực công nghệ như: công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch, công nghệ môi trường, công nghệ sản xuất và lai tạo giống cây mới, công nghệ vật liệu và công nghệ tiết kiệm năng lượng… được giới thiệu trình diễn, được các đơn vị nghiên cứu, làm chủ ở mức độ thương mại hóa, sẵn sàng chuyển giao cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam biểu dương sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học và các doanh nghiệp đã tổ chức và tham gia sự kiện này. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, sau gần ba thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước chúng ta đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng KH&CN Việt Nam thời gian qua. Điển hình như, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản, nhờ có áp dụng những tiến bộ KH&CN, Việt Nam đã trở thành nước có năng suất, sản phẩm có chất lượng cao thuộc tốp đầu trên thế giới như: sản xuất lúa gạo, hạt tiêu, điều, cao su, cà phê, cá tra....
Lễ ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Bắc Giang với các đơn vị
Tại lễ khai mạc đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Bắc Giang với một số đơn vị liên quan như Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam..., trong đó tập trung vào một số nội dung như: Ưu tiên đầu tư các nguồn lực phát triển KH&CN tỉnh Bắc Giang; hỗ trợ tỉnh Bắc Giang đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phối hợp nghiên cứu khoa học cũng như phát huy trí tuệ của các nhà khoa học tham gia phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, sinh viên; tham gia phản biện, tư vấn phát triển KT-XH; huy động các nguồn vốn đầu tư cho KH&CN, chuyển giao công nghệ mới cho Bắc Giang... Cùng đó, Sở KH&CN Bắc Giang cũng ký chương trình hợp tác với Sở KH&CN Hà Nội và Tổng Công ty giống cây trồng Việt Nam, Cục ứng dụng và phát triển công nghệ Bộ KH&CN. Bên cạnh đó, nhiều hợp đồng có giá trị cao cũng đã được ký kết tiêu biểu như: hợp đồng hợp tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường và thủy sản giữa Công ty cổ phẩn Công nghệ sinh học với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Quảng Ninh; Hợp đồng đặt hàng nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzyme và protein giữa Viện Thực phẩm chức năng và Công ty THHH Tư vấn y dược Quốc tế;….
Đến tham gia hội chợ, Công ty TNHH MTV Đức Minh tham gia một gian hàng giới thiệu về sản phẩm lò đốt rác thải sinh hoạt BD-ANPHA. Lò đốt hoạt động trên cơ sở đối lưu tự nhiên, không sử dụng các loại năng lượng như điện, gas hay xăng dầu để mồi hay duy trì trong quá trình vận hành, mà chỉ sử dụng chính rác thải khô để làm mồi đốt kết hợp cùng các van điều chỉnh lưu lượng gió để tạo nhiệt lượng trong buồng đốt. Để tạo ra sự đối lưu mạnh của dòng vật chất trong lò, lò được thiết kế các cửa cấp gió, các van cấp gió đặt xung quanh buồng đốt trên cạnh lò, nên an toàn, không có tia lửa hay ngọn lửa trong buồng đốt phóng ra ngoài gây mất an toàn cho người vận hành lò và những người đang làm việc xung quanh lò.
Lò đốt này phù hợp cho việc đốt tiêu hủy các loại rác thải sinh hoạt sản sinh ra ngay trong này tại thị trấn, xã, cộng đồng khu vực đông dân cư, với công suất xử lý từ 250kg/ giờ đến 5000 kg/giờ, tương đương với khoảng 6 tấn đến 120 tấn/ ngày, nhằm mục đích hạn chế ô nhiễm mùi, ô nhiễm nguồn nước ngầm do rác hữu cơ bị phân hủy, hạn chế thể tích rác được chôn lấp.
Mô hình lò đốt rác sinh hoạt BD-ANPHA tại hội chợ công nghệ Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Bắc Bộ 2014
Chiều 15/5, Chương trình trình diễn-kết nối cung cầu công nghệ khu vực Bắc Bộ năm 2014 tổ chức tại Bắc Giang đã bế mạc sau 2 ngày diễn ra.
Ban tổ chức cũng đã trao Kỷ niệm chương tặng 102 đơn vị có nhiều đóng góp vào thành công của chuỗi hoạt động này.
Đại diện Công ty TNHH MTV Đức Minh nhận kỷ niệm chương của ban tổ chức chương trình “Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Bắc Bộ 2014”
Chương trình trình diễn-kết nối cung cầu công nghệ khu vực Bắc Bộ năm 2014 được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ Việt Nam đến năm 2020 và hưởng ứng ngày Khoa học công nghệ Việt Nam 18/5 năm nay.
Trên 900 đại biểu thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường, các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham dự chương trình. Hàng ngàn lượt người đã tham quan hoạt động trình diễn công nghệ thuộc chương trình tại Quảng trường 3/2 thành phố Bắc Giang.
Trong khuôn khổ chương trình đã tổ chức diễn đàn đối thoại "Doanh nghiệp với ứng dụng và đổi mới công nghệ" thu hút 500 đại biểu doanh nghiệp tham dự với gần 20 bài tham luận, phát biểu ý kiến về thực trạng, nhu cầu đổi mới, chuyển giao, ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp.
Trên 100 đơn vị trong nước và quốc tế có trên 200 quy trình công nghệ, sản phẩm, kết quả nghiên cứu được chọn để trưng bày, giới thiệu tại các khu trình diễn.
Ngoài ra tọa đàm với chủ đề "Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ khu vực Bắc Bộ" đã diễn ra nhằm giới thiệu về các ứng dụng công nghệ cao, các thiết bị tiên tiến có thể chuyển giao phục vụ tích cực phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh trong khu vực Bắc Bộ.
Doãn Thật