Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha là một sản phẩm công nghệ hoàn toàn nội địa do các giảng viên của Khoa kỹ thuật Môi trường, trường Đại học Xây dựng và Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt – Lạnh, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, kết hợp với Công ty TNHH MTV Đức Minh (Doanh nghiệp khoa học công nghệ của Hà Nội) nghiên cứu và chế tạo. Lò đốt được sử dụng để đốt tiêu huỷ chất thải rắn sinh hoạt không cần nhiên liệu đốt bổ sung, tại độ ẩm định mức 30%, thông số vượt trội so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, khí thải thoả mãn các thông số môi trường, thấp hơn QCVN 30:2012/BTNMT. Trong quá trình đưa sản phẩm lò đốt vào xử lý rác thải tại các địa phương, nhóm nghiên cứu tiếp tục cải tạo lò đốt, bổ sung và hoàn thiện dây truyền phân loại, cấp nạp rác để hoàn thiện dây chuyền công nghệ, được nhiều địa phương áp dụng.
1. Tổng quan sơ đồ dây chuyền công nghệ xử lý bằng lò đốt BD-Anpha
a. Tổng quan về các thiết bị trong dây chuyền công nghệ
Các thiết bị chính trong dây chuyền công nghệ được áp dụng tại các địa phương được mô tả như hình ảnh dưới đây:
Hình 1. Sơ đồ dây chuyền công nghệ khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Do điều kiện về tài chính, công suất xử lý rác tập kết về khu xử lý, việc đầu tư thường phân ra từng giai đoạn khác nhau: lò đốt trước, bổ sung cấp nạp rác tự động sau đó. Khi có đủ nguồn vốn đầu tư, lượng rác tập kết về trên 10 tấn/ngày, các khu xử lý sẽ bổ sung thêm thiết bị sàng lồng – tích hợp sấy rác giảm ẩm kiểu thùng quay. Nếu công suất khu xử lý từ 20 tấn/ngày đêm trở lên, việc đầu tư thiết bị xé bao sẽ nên được xem xét để đảm bảo hiệu quả đầu tư và cải thiện điều kiện cơ giới hoá.
Nguồn thải của khu xử lý gồm: 1) cát sỏi, đất đá, vật liệu xây dựng, tro xỉ,.. được hoá rắn, trôn lấp hợp vệ sinh hoặc san lấp mặt bằng, sử dụng dải đường; 2). Mùn hữu cơ, rau củ quả được tách ra làm phân ủ compost, tạo khí gas hoặc phải đem chôn lấp hợp vệ sinh; 3) các loại khác có thể được tận dụng để tái chế như: nilon, kim loại, các chất dẻo, giấy hoặc các đồ hữu dụng mang lại lợi ích khác; 4) Trên 50% chất thải rắn của khu xử lý được đưa vào lò đốt sẽ chuyển hoá và biến sang thể khí dưới dạng khí thải.
Khí thải, tro xỉ là đầu ra của lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha. Khi đưa vào vận hành, các kết quả quan trắc khí thải tại ống khói của lò đốt cho thấy đều thoả mãn quy chuẩn về khí thải đối vời lò đốt theo quy định QCVN 30:2012/BTNMT.
b. Một số ưu điểm chính của lò đốt và mô hình xử lý
Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD - Anpha hoạt động trên cơ sở đối lưu tự nhiên, rác tự duy trì quá trình cháy do nhiệt lượng bản thân nó sinh ra. Để rác tự cháy được, rác cần có nhiệt trị tối thiểu, thường là trên 1.200kcal/kg. Với các nguồn chất thải rắn sinh hoạt phổ biến hiện nay ở các vùng nông thôn, sau sơ và phân loại, độ ẩm trung bình của rác thải khoảng 30% sẽ có nhiệt trị dao động từ 1.200 kcal/kg đến 1.700 kcal/kg. Khi lò vận hành ổn định, việc cấp rác có độ ẩm cao hơn cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến nhiệt độ trong lò và không làm phát thải các nồng độ khí thải quá mức. Để đạt được kết quả này, kết cấu của lò đốt có những bộ phận nhất định như: buồng sấy rác, buồng đốt sơ cấp, buồng đốt thứ cấp, buồng tách bụi.
Một trong những bộ phận quan trọng mà làm cho chất lượng khí của lò đốt tốt hơn các sản phẩm cùng loại khác là thiết bị làm lạnh nhanh khí thải. Khi có thiết bị này, các thông số furan/dioxin không còn cơ hội tái sinh trên đường khói thải do nhiệt độ giảm đột ngột trong một thời gian ngắn khi đi qua thiết bị này. Với furan/dioxin mặc dù đã được phân huỷ triệt để bởi nhiệt độ cao trong buồng đốt thứ cấp nhưng nếu không có thiết bị làm lạnh khí thải, nó sẽ tái sinh và tạo ra khí độc thải theo đường khói ra ngoài.
Ngoài ra, khi lò đốt được thiết kế và lắp đặt thêm thiết bị làm lạnh khí thải, nhiệt độ khói sẽ được hạ thấp xuống dưới 180 0C là điều kiện tốt để thải ra môi trường hoặc khi đi qua hệ thống xử lý hấp phụ, rửa khí sẽ không làm hỏng các thiết bị, tiết kiệm dung dịch xử lý và thoả mãn một thông số rất quan trọng được giám sát đối với nhiệt độ khí thải.
Với một dây chuyền xử lý đồng bộ, sàng lồng loại bỏ chất hữu cơ, tách cát sỏi, cấp rác tự động, lò không cần bổ sung thêm nhiên liệu khi vận hành, đối lưu tự nhiên, không sử dụng đến quạt cưỡng bức cho việc cấp gió, không sử dụng đến quạt hút khói, công nhân vận hành lò đốt chỉ cần một người/ca, hạn chế việc tiếp xúc với rác thải, nên chi phí vận hành của lò rất thấp. Với việc thiết kế thành mô đun độc lập và tuỳ chọn linh hoạt thiết bị với từng công đoạn trong dây chuyền như: sàng lồng phân loại rác, thiết bị cấp rác vào lò, thiết bị xử lý khói, công suất lò đốt,... nên việc lựa chọn mô hình này để áp dụng các vùng nông thôn được xem là một giải pháp phù hợp, góp phần quan trọng trong việc tiêu huỷ hợp vệ sinh lượng rác thải ra hàng ngày.
c. Căn cứ pháp lý và thành quả đạt được của sản phẩm
Trên cơ sở nền tảng nghiên cứu lý thuyết, các tính toán phù hợp, ứng dụng trong thực tế đem lại hiệu quả, các kết quả quan trắc phù hợp, hội đồng thẩm định của Bộ xây dựng đã cấp giấy chứng nhận thiết bị phù hợp theo Quyết định số 396/QĐ-BXD, ký ngày 18/04/2013, cho phép công nghệ được triển khai, áp dụng trong toàn quốc.
Ngoài ra, sản phẩm lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha đã đạt giải 3 – Vifotech, năm 2013 của Lliên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Giải thưởng Khoa học kỹ thuật Thanh niên Quả Cầu vàng 2013; Giải thưởng môi trường Việt Nam 2013,... Nhóm tác giả đã đăng ký bản quyền tác giả, thực hiện các hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hoá, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế đối với lò đốt, được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp khoa học và Công nghệ Hà Nội, năm 2014.
2. Điều kiện áp dụng công nghệ
a. Mặt bằng khu xử lý và khoảng cách đến khu dân cư
Với công suất xử lý đầu vào khu xử lý không quá 20 tấn/ngày đối với dây chuyền công nghệ sử dụng lò đốt BD-Anpha 500, có thể đốt được 500kg/giờ, đảm bảo vòng đời của các thiết bị và khu xử lý trên 5 năm, toàn bộ diện tích của khu xử lý cần tối thiểu 5.000m2. Trong đó diện tích chính dành cho việc chôn lấp hợp vệ sinh các chất thải không thể đưa vào lò đốt khoảng 3000 m2, diện tích cho nhà tập kết, phân loại rác thải, đặt lò đốt khoảng 500m2, diện tích còn lại cho đường nội bộ, cây xanh, các hạng mục xây dựng khác như nhà để xe, nhà bảo vệ,.. khoảng 1500 m2.
Hình 2. Một khu xử lý chất thải rắn áp dụng tại Thái Bình
b. Thành phần rác thải và tỷ lệ phối trộn
Để đảm bảo được nhiệt độ đủ cao trong buồng đốt triệt tiêu được các chất độc hại furan/dioxin, nhiệt trị chất thải cần trên 1.200 kcal/kg và các thành phần đối với chất thải rắn sinh hoạt thông thường như các vùng nông thôn hiện nay thì độ ẩm của rác đưa vào lò đốt khoảng 30%. Vì những lý do chính này nên tỷ lệ giữa lượng rác đưa vào lò đốt và lượng rác thu gom vận chuyển về khu xử lý thường dao động từ 55% đến 90%. Tỷ lệ đốt được trong lò phụ thuộc vào thời tiết, tỷ lệ phối trộn với các chất có nhiệt trị cao như: nilon thải ra từ ngành giấy, vải vụn, các chất thải sinh khối tại địa phương.
Lò đốt được thiết kế để đốt tiêu huỷ các chất thải rắn thông thường thải ra từ các vùng nông thôn, ngoại thành, nên rác đưa vào lò đốt cần phân loại và tách bỏ các thành phần độc hại nếu có trong rác thải như: pin, chì, ắc quy, bóng đèn, các thành phần thuốc bảo vệ thực vật, chất thải có nguồn gốc y tế,..
c. Vốn đầu tư và công suất xử lý
Vốn đầu tư vào một khu xử lý được phân thành ba gói cơ bản:1) gói san lấp mặt bằng; 2) gói xây dựngcơ sở hạ tầng, nhà xưởng và 3) gói cung cấp mua sắm thiết bị. Chi tiết các khoản mục chi được nêu trong bảng tổng hợp sau.
Bảng 1. Danh mục các khoản chi của một khu xử lý sử dụng lò BD-Anpha 500
STT
|
Khoản mục chi phí
|
Chi phí trước thuế
|
Thuế giá trị gia tăng
|
Chi phí sau thuế
|
1
|
Chi phí xây dựng
|
1.756.484.716,
|
175.648.472,
|
1.932.133.188
|
1.1
|
Chi phí xây dựng công trình chính, phụ trợ tạm phục vụ thi công
|
1.739.093.778
|
173.909.378
|
1.913.003.156
|
1.2
|
Chi phí xây dựng nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công
|
17.390.938
|
1.739.094
|
19.130.032
|
2
|
Chi phí thiết bị
|
3.463.181.818
|
346.318.182
|
3.809.500.000
|
3
|
Chi phí quản lý dự án
|
110.917.914
|
11.091.791,4
|
122.009.705,4
|
4
|
Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng
|
191.706.603,3
|
19.170.660,3
|
210.877.263,6
|
4.1
|
Chi phí khảo sát
|
27.272.727,3
|
2.727.272,7
|
30.000.000
|
4.2
|
Chi phí lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật
|
158.971.208
|
15.897.120,8
|
174.868.328,8
|
4.3
|
Chi phí thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công
|
2.775.246
|
277.524,6
|
3.052.770,6
|
4.4
|
Chi phí thẩm tra dự toán công trình
|
2.687.422
|
268.742,2
|
2.956.164,2
|
5
|
Chi phí khác
|
36.323.130,2
|
3.632.313
|
39.955.443,2
|
5.1
|
Chi phí kiểm toán độc lập
|
28.008.196,7
|
2.800.819,7
|
30.809.016,4
|
5.2
|
Chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán
|
8.314.933,4
|
831.493,3
|
9.146.426,7
|
6
|
Chi phí dự phòng
|
|
|
305.723.780
|
6.1
|
Chi phí dự phòng cho yếu tố khối lượng phát sinh
|
|
|
305.723.780
|
7
|
Tổng cộng được làm tròn
|
5.558.614.181,5
|
555.861.418,7
|
6.420.199.380
|
Trong đó kinh phí cho phần thiết bị đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, phí vận chuyển, lắp đặt, chuyển giao kỹ thuật vận hành được tách thành 3 hạng mục thiết bị chính:
- Thiết bị cấp rác tự động và băng tải tương thích, công suất 500 kg/h là 313,5 triệu.
- Thiết bị lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha, công suất 500 kg/h là 2.500 triệu.
- Thiết bị sàng lồng tích hợp sấy rác giảm ẩm là 996 triệu.
d. Mô hình quản lý và các hoạt động liên quan
Qua thời gian triển khai các mô hình khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên một số địa phương trong toàn quốc nói chung, để duy trì bền vững, đảm bảo nguồn thu - chi tài chính của khu xử lý, mô hình được áp dụng tập trung về một tổ chức. Điều này có nghĩa là công tác thu gom, vận chuyển từ các thôn, xã về khu xử lý cũng sẽ nằm trong một tổ chức trực tiếp quản lý, phân loại, tổ chức vận hành lò đốt.
Nguồn thu tài chính được thực hiện bằng 2 nguồn cơ bản: 1) nguồn thu từ nhân dân, các nhân khẩu trong phạm vi được thu gom - xử lý; 2) ngân sách bù từ các địa phương nếu có kết hợp với việc bán các chất có thể tận thu để tái chế, phân mùn ủ từ các chất hữu cơ.
3. Kết quả triển khai mô hình lò đốt rác tại một số điểm dân cư
a. Một số địa phương đã áp dụng mô hình xử lý bằng lò đốt
Qua thời gian trong vòng từ năm 2013 đến năm 2014, nhóm nghiên cứu đã triển khai được lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha 500 về một số địa phương:
Bảng 2. Bảng tổng hợp một số địa phương đã triển khai áp dụng công nghệ
Stt
|
Địa phương lắp đặt thiết bị
|
Máy sàng lồng tích hợp sấy rác
|
Cấp nạp rác tự động
|
Lò đốt BD-Anpha 500
|
1
|
Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định
|
-
|
-
|
x
|
2
|
Thị trấn Vũ Thư, Thái Bình
|
-
|
x
|
x
|
3
|
Đại Hợp, Kiến Thuỵ, Hải Phòng
|
x
|
x
|
x
|
4
|
Thị trấn Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ
|
-
|
x
|
x
|
5
|
Chợ Mới, Ngân Sơn tỉnh Bắc Cạn
|
-
|
-
|
x
|
6
|
Quảng Tân, Quảng Xương Thanh Hoá
|
-
|
x
|
x
|
7
|
Quan Lạn, Vân Đồn, Quảng Ninh
|
-
|
-
|
x
|
8
|
Châu Thành, Sóc Trăng
|
-
|
x
|
x
|
9
|
Ô Môn, Cần Thơ
|
x
|
x
|
x
|
Chú thích ký hiệu trong bảng: “-“ Chưa lắp đặt, “x” đã lắp đặt.
b. Cấu hình áp dụng tại các địa phương và tỷ lệ xử lý rác thải
Việc xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt là một trong những giải pháp được cho là phù hợp trong giai đoạn hiện nay bởi vì nó là giải pháp duy nhất để giảm tỷ lệ chôn lấp, kéo dài thời gian khu xử lý trong điều kiện mặt bằng ngày càng hạn chế. Ngoài ra, việc xử lý chất thải rắn sẽ có tác dụng tích cực làm giảm các chất ô nhiễm buộc phải xử lý bằng phương án thiêu đốt đối với các chất không phân huỷ khi chôn lấp, có tác động xấu đến môi trường.
Bên cạnh đó, việc thu xếp nguồn tài chính đầu tư thiết bị máy móc, lò đốt, cơ sở hạ tầng đối với quy mô cấp xã không hề đơn giản trong điều kiện về tài chính của các địa phương hiện nay. Việc này cần thời gian, phải thu xếp ghi vốn và chuẩn bị đầy đủ các hoạt động liên quan khác như: bố trí mặt bằng, đơn vị thu gom, giá thu gom, đơn vị tiếp quản xử lý, kinh phí duy trì vận hành,...
Chính vì vậy, cấu hình được áp dụng tại các địa phương rất khác nhau và thường được hoàn thiện từng bước. Điều này, phần nào đã chỉ rõ trong bảng triển khai được lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha 500 về một số địa phương. Các lò đốt được các địa phương đầu tư trước, sau một thời gian vận hành sẽ tiếp tục đầu tư thêm, thiết bị cấp rác tự động, và sau hàng năm mới đầu tư thêm thiết bị sàng phân loại rác. Việc đầu tư các thiết bị trong dây chuyền công nghệ khác nhau dẫn đến tỷ lệ xử lý chất thải rắn cũng khác nhau tại các địa phương. Khi đầu tư dây chuyền đồng bộ, tỷ lệ xử lý sẽ đạt mức cao nhất và có nơi đạt đến khoảng 75%. Tỷ lệ này rất khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thành phần rác, tỷ lệ phối trộn, thời gian vận hành lò đốt, bộ máy tổ chức vận hành.
Hình 3. Lò đốt được lắp đặt tại Ô Môn, Cần Thơ
c. Kết quả phân tích khí thải và tro xỉ
Việc sử dụng lò đốt chất thải rắn là để đốt tiêu huỷ bằng phương pháp nhiệt. Chất thải chuyển đổi từ trạng thái rắn là rác thải sang thể khí là khói thải và tro xỉ. Vì vậy công tác phân loại rác, vận hành lò đốt đúng quy trình, đảm bảo thông số khí thải theo quy định là rất quan trọng. Các kết quả phân tích khí thải và tro xỉ của lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD – Anpha được thực hiện tại các địa phương đều đáp ứng tốt quy chuẩn Việt Nam hiện hành. Kết quả quan trắc, phân tích được nêu trong bảng sau.
Bảng 3. Kết quả phân tích các chỉ tiêu khác của khí thải tại ống khói.
TT
|
Chỉ tiêu thử nghiệm
|
Đơn vị
|
Phương pháp thử nghiệm
|
Kết quả quan trắc
|
Quy chuẩn
so sánh
QCVN 30: 2012/BTNMT
|
1
|
Bôi tổng
|
mg/Nm3
|
TCVN 5977:2005
|
30,26
|
150
|
2
|
Axít clohidric (HCl)
|
mg/Nm3
|
TCVN 7244:2003
|
11,72
|
50
|
3
|
CO
|
mg/Nm3
|
TCVN 7242:2003
|
156,38
|
300
|
4
|
SO2
|
mg/Nm3
|
TCVN 6750:2005
|
125,59
|
300
|
5
|
NOx
|
mg/Nm3
|
TCVN 7172:2002
|
72,47
|
500
|
6
|
Thủy ngân và các hợp chất tính theo thủy ngân (Hg)
|
mg/Nm3
|
TCVN 5977:2005
|
Kpht
|
0,5
|
7
|
Cadimi và các hợp chất tính theo cadimi (Cd)
|
mg/Nm3
|
TCVN 7557:2005
|
Kpht
|
0,2
|
8
|
Chì và các hợp chất tính theo chì (Pb)
|
mg/Nm3
|
TCVN 7557:2005
|
0,001
|
1,5
|
9
|
Tổng các kim loại nặng khác
|
mg/Nm3
|
TCVN 7557:2005
|
0,26
|
1,8
|
10
|
Tổng hydrocacbon, HC
|
mg/Nm3
|
Hấp phụ hoá học
|
1,5
|
100
|
11
|
Nhiệt độ khí thải ra môi trường
|
0C
|
Đo nhanh
|
168
|
180
|
12
|
Lượng oxy dư
|
%
|
Đo nhanh
|
8
|
6-15
|
Bảng 4. Kết quả phân tích thành phần tro xỉ của lò đốt chất thải rắn sinh hoạt
Stt
|
Tên chỉ tiêu thử nghiệm
|
Phương pháp thử
|
Đơn vị
|
Kết quả
|
9
|
Ag
|
EPA 3050 B SMEWW 3120B
|
mg/kg
|
9,979
|
10
|
As [12]nn
|
mg/kg
|
2,695
|
11
|
Cd [2]nn
|
mg/kg
|
0,469
|
12
|
Co
|
mg/kg
|
2,922
|
13
|
Fe
|
mg/kg
|
2539,848
|
14
|
Pb [70]nn , [300]maxcn
|
mg/kg
|
946,911
|
15
|
Zn [200]nn ,][300]maxcn
|
mg/kg
|
149,163
|
16
|
Hg
|
mg/kg
|
<0,01
|
17
|
Na
|
mg/kg
|
954,392
|
18
|
K
|
mg/kg
|
1124,155
|
Chú thích: “nn” – nông nghiệp, “cn” – công nghiệp, “max” – giá trị lớn nhất.
d. Ý nghĩa đối với môi trường
Theo kết quả phân tích về khí thải từ ống khói lò đốt cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm đều thấp hơn quy chuẩn cho phép. Đối với tro xỉ, thành phần một số kim loại nặng như asen (As), chì (Pb), kẽm (Zn) vượt xa về các chỉ tiêu so với đất nông nghiệp và đất công nghiệp. Điều này có nghĩa là ngoài các chỉ tiêu có ích cho đất như kali (K), natri (Na), sắt (Fe),… chúng ta cần bón với một lượng nhỏ cho các cây công nghiệp mà không quá lạm dụng vì có thể làm sót cây, trai đất.
Ngoài ra, việc tiêu thuỷ rác hợp vệ sinh bằng lò đốt đốt với tỷ lệ trên 50% đến 90% lượng rác được thu gom - vận chuyển về khu xử lý đã có một ý nghĩa quan trọng đối với môi trường. Điều này có nghĩa là rác thải, môi trường sống của cộng đồng được thu gom triệt để và cải thiện nhiều hơn, các chất thải rắn khó phân huỷ được xử lý triệt để, khu xử lý rác xử lý được rác thải nhiều hơn với thời gian dài hơn.
Thông qua việc phân loại rác thải, lượng rác được xử lý ngay trong ngày, các thành phần hữu cơ cũng được tách, ủ phân compost, cung cấp lại cho đất và làm phân bón, hỗ trợ công tác phát triển nông nghiệp tại địa phương, cải thiện thu nhập cho khu xử lý. Vì vậy, lượng nước rỉ rác sẽ không còn, môi trường nước ngầm được cải thiện, môi trường khí và mùi sẽ không phát tán ra xung quanh.
e. Hiệu quả kinh tế - xã hội
Việc áp dụng các mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả, đem lại môi trường xanh - sạch - đẹp tại các địa phương, đảm bảo nguồn thu thường xuyên và làm ăn có lãi cho các khu xử lý bước đầu khẳng định hiệu quả của một mô hình theo hình thức xã hội hoá.
Bên cạnh đó, việc xử lý rác hiệu quả bằng phương pháp đốt so với các phương pháp khác hiện nay, kéo dài tuổi thọ của bãi rác là điều kiện quan trọng đảm bảo trật tự - an ninh và ổn định xã hội.
Công suất và dây chuyền thiết bị công nghệ được áp dụng tại các khu vực nông thôn, miền núi thường nhỏ gọn, đơn giản, chi phí đầu tư thấp. Ngoài ra, do lò hoạt động không cần sử dụng đến nhiên liệu phụ trợ trong quá trình vận hành nên chi phí duy trì khu xử lý rác so với những mô hình công nghệ trước đây khá thấp. Tuy có công suất xử lý nhỏ nhưng nếu so sánh với Quyết định số 322/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về suất đầu tư và chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với công nghệ đốt có công suất từ 50 ÷ 100 tấn/ngày thì lò vẫn thỏa mãn, thậm chí còn thấp hơn các quy định trên. Chính những điều này là lợi ích về mặt kinh tế, tài chính mà công nghệ mang lại.
4. Bài học kinh nghiệm sau quá trình triển khai mô hình tại một số điểm dân cư
Với những kết quả ban đầu triển khai dây chuyền công nghệ thiết bị lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha tại một vài địa phương trên toàn quốc, vùng đồng bằng Sông Hồng, một số bài học kinh nghiệm được chia sẻ đến các địa phương, chủ đầu tư quan tâm, có dự định và kế hoạch đầu tư công nghệ này đạt hiệu quả cao hơn và phù hợp với các điều kiện của mình, cụ thể gồm:
a. Công tác hỗ trợ xây dựng dự án
Cần xác định rõ địa điểm đặt lò đốt, với diện tích càng rộng càng tốt, tối thiểu không nên dưới 2.500m2, khoảng cách từ điểm đặt lò đốt đến các khu dân cư gần nhất không nên dưới 500m, xem xét nguồn thải phù hợp với quy định của pháp luật. Địa điểm nên nằm trong quy hoạch bãi xử lý chất thải rắn tại địa phương, được các cấp chính quyền xem xét – thông qua, sở Xây dựng phê duyệt.
Hiện nay, nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ về tiền mua thiết bị, chi cho giải phóng mặt bằng, kinh phí hỗ trợ triển khai cơ sở hạ tầng, kinh phí bù đắp cho các hoạt động duy trì vận hành lò đốt, hỗ trợ bao tiêu một số sản phẩm tái chế,.. nên công tác hỗ trợ xây dựng dự án, lập các báo cáo kinh tế kỹ thuật, tư vấn xây dựng một mô hình quản lý phù hợp là một trong các điều kiện quan trọng đảm bảo dự án được triển khai đúng quy định của pháp luật, là nền tảng hoạt động bền vững của khu xử lý.
b. Khơi thông nguồn vốn cho dự án
Trong các giai đoạn đầu của công tác lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, việc tổ chức các đoàn tham quan lò đốt, tìm hiểu mô hình vận hành, tổ chức các hội thảo giới thiệu công nghệ tại địa phương, tìm kiếm và khơi thông nguồn vốn, lập kế hoạch thực hiện có một ý nghĩa sâu sắc cho các cấp chính quyền địa phương tiếp nhận công nghệ, ứng dụng tại các khu vực dân cư.
Hình 4. Tổ chức hội thảo giới thiệu về công nghệ tại các địa phương
Các nguồn vốn có tính khả thi để đầu tư cho khu xử lý chất thải rắn có thể tham khảo từ nguồn chi phí sự nghiệp môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ nguồn vốn khoa học công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ, từ nguồn tiền cho chương trình xây dựng nông thôn mới của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,.. cùng nhiều nguồn khác của Trung tâm khuyến công của Sở Công Thương,… hoặc từ các nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân trong công cuộc xã hội hoá đầu tư hiện nay.
c. Chuyển giao kỹ thuật phân loại rác thải và vận hành lò đốt
Tuỳ theo tính chất của nguồn rác thải, công tác - thói quen thu gom, phương tiện vận chuyển, trữ lượng rác thải, điều kiện kinh tế - chính trị, thể chế ở từng địa phương, các thiết bị trong dây chuyền công nghệ sẽ được lựa chọn khác nhau. Vì vậy, thông qua kỹ thuật phân loại rác thải tương ứng với thiết bị trong dây chuyền công nghệ, công tác vận hành nói chung sẽ có những điểm khác biệt nhất định.
Công tác vận hành lò đốt nên được duy trì liên tục 24/24 giờ hoặc không dưới 16 tiếng mỗi ngày sẽ đảm bảo công suất ổn định và tuổi thọ của lò đốt dài hơn. Mặc dù công tác phân loại và vận hành khá đơn giản, nhưng đơn vị cung cấp dây chuyền công nghệ vẫn có kế hoạch đào tạo bằng cả lý thuyết và thực tế tại công trường trong thời gian khoảng một tháng, sau đó kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho các công nhân có đủ điều kiện trong việc vận hành các thiết bị này.
Việc phân loại rác thải trong ngày và đem vào lò đốt với tỷ lệ cao nhất là mục tiêu quan trọng chúng ta cần đạt được. Khi đó, mùi hôi thối và nước rỉ rác sẽ không hình thành, trữ lượng xử lý sẽ được nâng cao, các nguồn thu sẽ được cải thiện, đơn vị tiếp quản chủ động trong sản xuất và kinh doanh.
d. Xây dựng mô hình phù hợp, duy trì bền vững khu xử lý
Phong tục tập quán ở mỗi địa phương về cơ bản không giống nhau, trữ lượng và thành phần rác cũng khác nhau, cách thức và điều kiện thực hiện cũng mang tích chất địa phương. Vì lý do đó, việc xây dựng một mô hình thu gom - vận chuyển – phân loại - xử lý phù hợp có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trì bền vững khu xử lý.
Một khu xử lý được xem là bền vững cần lưu ý đến một số yếu tố sau:
- Việc thu gom - vận chuyển – phân loại - xử lý nên nằm trong một tổ chức nhất định.
- Đơn giá xử lý chất thải rắn thu từ các nhân khẩu trong địa bàn cần thống nhất và các cấp chính quyền thông qua, tạo hành lang pháp lý để thực hiện.
- Tăng cường tái chế và tái sử dụng ở mức tối đa đối với các chất thải hữu cơ làm phân compost, chất dẻo, nilon, kim loại, giấy vụn,... để cải thiện nguồn thu, nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên khu xử lý.
- Tranh thủ sự hỗ trợ tài chính và cơ sở hạ tầng từ các tổ chức chính quyền, hiệp hội, tổ chức, cá nhân liên quan.
e. Những lưu ý khi vận hành
Với mục tiêu duy trì bền vững khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khi vận hành dây chuyền công nghệ cần chú ý đến các yếu tố sau:
- Phân loại rác đúng quy trình, đảm bảo kỹ thuật, duy trì độ ẩm định mức.
- Bảo dưỡng, vệ sinh trang thiết bị đúng yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất.
- Thường xuyên liên hệ với đơn vị cung cấp để được hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực.
- Vận hành thiết bị đúng quy trình và đảm bảo đầy tải đối với lò đốt, duy trì 24/24 giờ trong ngày. Đảm bảo chỉ các công nhân được hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận mới được vận hành lò đốt.
- Sử dụng đúng loại rác và loại chất thải đưa vào lò đốt theo quy định.
- Khu xử lý cần có các hoạt động giám sát, quy định rõ ràng về công tác vận hành, đảm bảo đời sống cho cán bộ công nhân viên.
f. Nguồn lực của đơn vị cung cấp sản phẩm và giá trị gia tăng cho khách hàng
Nguồn lực của đơn vị cung cấp dịch vụ có thể xem là một trong những yếu tố quan trọng tạo niềm tin cho chủ đầu tư, để công nghệ luôn được cải tiến ngày một tốt và phù hợp hơn, các khu xử lý được chăm sóc đầy đủ sau khi đưa vào vận hành. Chúng tôi, mong muốn được chia sẻ các nguồn lực này để thể hiện sự cam kết và quyết tâm trên con đường đồng hành xử lý chất thải rắn với tất cả các địa phương sử dụng dây chuyền công nghệ lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha. Các nguồn lực chúng tôi tạo ra giá trị cho khách hàng gồm:
- Quyền sở hữu trí tuệ của chúng tôi đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá và các giải pháp hữu ích đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha.
- Xuất phát từ kết quả đề tài nghiên cứu khoa học, nhận được nhiều sự góp ý của các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao hàng đầu trong toàn quốc, lò đốt chất thải rắn sinh hoạt kết tinh được nhiều thành quả khoa học quan trọng trong nước và trên thế giới, nên chứa đựng những giá trị khoa học và ứng dụng vượt trội trong thực tiễn.
- Với diện tích nhà xưởng rộng, nhân lực sản xuất, lắp đặt, vận hành chuyên nghiệp và các máy công cụ sẵn có, phương tiện vận chuyển nhiều chủng loại, chúng tôi đáp ứng tốt nhất các đòi hỏi của công việc và yêu cầu của khách hàng.
- Thể hiện cho những thành quả này, được đại diện của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ xây dựng cấp Giấy chứng nhận thiết bị phù hợp cho phép công nghệ này được áp dụng và nhân rộng trong toàn quốc, được Bộ Tài Nguyên và Môi trường tặng giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2013, được Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp hội khoa học Việt Nam tặng giải thưởng VIFOTECH năm 2013, và là một trong 10 công trình tiêu biểu trong toàn quốc đối với giải thưởng Thanh niên quả cầu vàng 2013.
- Trong năm 2014, chúng tôi tự hào là một trong số 20 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của Hà Nội, được cấp chứng nhận lần đầu ngày 03 tháng 12 năm 2014.
Có thể nói, với các nguồn lực về khoa học công nghệ chất xám sẵn có kết hợp với nguồn lực tài chính dồi dào, cơ sở vật chất đầy đủ, chúng tôi cung cấp nhiều dịch vụ và giá trị gia tăng cho khách hàng, ví dụ như:
- Trong thực tế, công nghệ đáp ứng tốt các đòi hỏi của vận hành, khí thải thoả mãn quy chuẩn Việt Nam, các thông số vượt trội so với các sản phẩm, cùng phân khúc khác trên thị trường.
- Ngoài việc đốt triệt để rác thải, lò đốt đã góp phần quan trọng trong việc tận dụng nhiệt thải, cấp nhiệt sinh hơi nước bão hoà, phục vục các ngành công nghiệp giấy, dệt may tại một số tỉnh thành trên toàn quốc.
- Dây chuyền công nghệ được thiết kế và vận hành đồng bộ, có tính chất cơ giới hoá cao từ phân loại, sàng tách tích hợp tận dụng nhiệt từ lò đốt để sấy giảm ẩm, cấp nạp rác tự động, giám sát đầy đủ các thông số nhiệt độ của lò đốt, phần khí thải tích hợp thêm thiết bị xử lý khí thải kiểu ướt được xem là một mô hình phù hợp trong tương lai.
- Lò đốt được thiết kế và chế tạo với nhiều mô đun công suất, nên khá linh hoạt trong xây dựng, thuận tiện cho việc lựa chọn cấu hình tuỳ theo khả năng tài chính của chủ đầu tư.
- Nắm bắt được các vấn đề bản chất của công nghệ lò đốt, chúng tôi luôn chủ động trong thiết kế, chế tạo theo yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp.
5. Kết luận
a. Kết quả là sự khích lệ cho quá trình nghiên cứu và ứng dụng thành quả KHCN
Sau gần hai năm nghiên cứu và triển khai mô hình lò đốt vào trong thực tế tại các địa phương, với khoảng 25 sản phẩm được sản xuất lắp đặt, vận hành, các kết quả ban đầu là sự khích lệ lớn lao cho nhóm nghiên cứu, tạo tiền đề tốt cho các thế hệ trẻ khác noi theo.
Thông qua việc triển khai các kết quả từ nghiên cứu ra ứng dụng, giúp chúng tôi cọ sát và học hỏi nhiều điều từ thực tế, tăng cường công tác và các hoạt động xã hội, hỗ trợ công tác đào tạo ngày một tốt hơn.
b. Sự phù hợp của dây chuyền công nghệ khi áp dụng tại nông thôn
Với việc khảo sát thực địa chi tiết, nghiên cứu bài bản, bám sát các đòi hỏi kỹ thuật khắt khe trong vận hành, cân đối với điều kiện tài chính của chủ đầu tư, bước đầu xây dựng được các mô hình quản lý phù hợp với từng địa phương. Một số địa phương sau khi đầu tư lò đốt, tiếp tục lắp đặt thêm các thiết bị phụ trợ để dây chuyền xử lý được đồng bộ, đảm bảo tính bền vững của mô hình.
Việc xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn với chi phí thấp đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường sống của nhân dân, góp phần giải quyết tiêu chí 17 trong chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luận văn cao học của tác giả Đàm Thị Lan “Tính toán, thiết kế, chế tạo và xây dựng quy trình vận hành lò thử nghiệm đốt rác thải sinh hoạt, không sử dụng năng lượng bên ngoài với năng suất 500 kg/h”, năm 2012.
2. Các kết quả thu được của nhóm nghiên cứu Thạc sỹ Đàm Thị Lan, Thạc sỹ Nguyễn Đức Quyền, Thạc sỹ Nguyễn Danh Nam đối với dự án Đổi mới sáng tạo (IPP) do Công ty TNHH MTV Đức Minh thực hiện, năm 2012-2013
Nguyễn Đức Quyền