Kinh nghiệm, các giải pháp quản lý, xử lý rác thải đô thị để bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Nguyễn Đức Quyền, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt – Lạnh
Bài viết này đưa ra quan điểm của nhóm nghiên cứu, chia sẻ một số kinh nghiệm về tổ chức quản lý, đề xuất hướng nghiên cứu và sử dụng rác thải đô thị theo hướng bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn hiện nay.
1. Một số điểm đáng lưu ý trong công tác thu gom và hiện trạng rác thải đô thị
Các bãi rác tập trung để xử lý rác thải đô thị tại Việt Nam về cơ bản đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại ngang tầm khu vực, được xem là phù hợp trong điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại từ rác thải còn chưa cao, các vấn đề mấu chốt như: ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm không khí, công tác quản lý, khai thác sử dụng khu xử lý, duy trì vận hành trang thiết bị còn bộc lộ nhiều hạn chế. Những hạn chế này không thể tháo gỡ và giải quyết trong thời gian ngắn khi các nguồn lực của chúng ta còn hạn chế.
Trên thực tế, ngoài các nỗ lực không hề nhỏ của các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị diễn ra hàng ngày, tình trạng rác thải tại các đô thị vẫn còn một số hạn chế như:
- Tình trạng xả thải bừa bãi, ý thức chưa cao của một số công dân, dẫn đến việc rác xuất hiện nhiều trên phố, đường đi hoặc bất kì nơi nào.
- Dân số đô thị ngày càng tăng thì lượng rác thải ở khu vực này cũng sẽ ngày càng tăng. Trong khi các Công ty thu gom, xử lý rác thì dường như chưa có quy hoạch đồng bộ cùng với việc tăng dân số đô thị.
- Hình thức thu gom chưa thật triệt để. Mặc dù đã có xe thu gom rác theo giờ, tuy nhiên người dân không chỉ tập trung mang rác ra đổ tại thời điểm thu gom mà còn đổ trước hoặc sau khi xe rác đi thu gom, làm chất đống những túi rác xung quanh khu vực dân cư sinh sống. Điều này càng làm mất vệ sinh, rỉ rác, mùi ôi thối gây ô nhiễm môi trường ngay tại khu vực đông dân cư.
- Trong các thành phố lớn đang thiếu các khu xử lý chất thải rắn với quy mô tập trung. Thiếu các đơn vị, tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác chuyên nghiệp dẫn đến việc đổ chất thải không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.
- Việc tái chế, tái sử dụng chất thải rắn chủ yếu là tự phát tại các cơ sở sản xuất làng nghề do chưa có hành lang pháp lý cho việc tái chế này.
Việc nghiên cứu, đưa ra các giải pháp quản lý, kỹ thuật phù hợp trong việc thu gom, xử lý rác thải đô thị để bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng là nhiệm vụ rất cấp bách để giải quyết vấn đề rác thải đô thị trong giai đoạn hiện nay và định hướng cho tương lai.
2. Giải pháp quản lý, xử lý rác thải đô thị theo hướng bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng
Để góp phần xử lý rác thải đô thị triệt để, vừa đem lại lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng thì các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu và mạnh dạn ban hành các chính sách, chế tài và các hướng dẫn cụ thể để người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác có cơ sở, căn cứ thực hiện, chẳng hạn:
- Tập hợp các nhà khoa học, những nhà doanh nghiệp hoạt động thực tiễn nghiên cứu và ban hành các phương pháp xử lý rác: phân loại, tái chế, đốt, chôn lấp, …
- Cần quy hoạch tổng thể các khu xử lý rác để tận thu và coi rác như nguồn tài nguyên cần khai thác.
- Phân loại trước khi có phương án xử lý, phần nào đem tái chế thành nguyên, nhiên liệu cho các quá trình sản xuất khác, phần nào đem xử lý.
- Khi xử lý cần có nghiên cứu, phân tích các giải pháp cụ thể, khoa học và thực tiễn về những ứng dụng để tận thu nguồn năng lượng: dùng nhiệt thải để phục vụ sản xuất, dùng tro xỉ để làm cốt liệu sản xuất cấu kiện bê tông để làm đường, gạch, hay san lấp mặt bằng, ….
- Cần có các chính sách, đặc biệt là cơ sở pháp lý hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất tận dụng hoàn toàn nguồn thải của mình để tái chế hoặc đốt trong buồng đốt đạt tiêu chuẩn để sinh nhiệt cho lò hơi, quy mô đến hàng nghìn tấn/ngày áp dụng phát điện với nhiên liệu từ rác thải.
Hiện nay, các dây chuyền thiết bị công nghệ xử lý rác tại Việt Nam đều do một số cá nhân, Công ty nhỏ tự nghiên cứu, triển khai và chuyển giao cho các đối tác. Hạn chế này làm cho tính đồng bộ trong các dây chuyền thiết bị công nghệ không rõ nét, phát sinh nhiều hạn chế trong quá trình khai thác sử dụng. Các hội đồng khoa học thường mang tính chất hình thức, tư vấn trên cơ sở kinh nghiệm của các chuyên gia, các ý kiến góp ý hầu như không được kiểm soát khi đưa vào trong dự án triển khai. Vì lý do này, việc tập hợp các nhà khoa học, những nhà doanh nghiệp hoạt động thực tiễn nghiên cứu và ban hành các phương pháp xử lý rác: phân loại, tái chế, đốt, chôn lấp có ý nghĩa thực tiễn tại các dự án, trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Việc đánh giá các lĩnh vực công nghệ phụ trợ trong công tác phân loại rác, tái chế, tái sử dụng, xử lý nước thải, chính sách khuyến khích khách hàng sử các sản phẩm đầu ra từ rác chưa hấp dẫn, hành lang cơ sở pháp lý trong công tác quản lý, cấp phép công nghệ sử dụng các nguồn lực này chưa đầy đủ, chưa giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Chiếm tỷ trọng cao trên 60% của lượng rác, mà nó có thể qua công đoạn chế biến để tạo thành nhiên liệu cung cấp cho các lò đốt công nghiệp (lò xi măng), lò hơi (sinh hơi nước bão hòa hoặc hơi quá nhiệt để phát điện) là một hướng đi có tính chất bền vững, tạo động lực cho việc sử dụng các nguồn vốn theo hướng xã hội hóa, tạo giá trị cho nhiên liệu từ rác thải, góp phần giảm lượng khí phát thải nhà kính do tận dụng được nhiệt, cắt giảm lượng nhiên liệu hóa thạch được sử dụng trong các lò đốt. Vì lý do này, việc quy hoạch tổng thể các khu xử lý rác để tận thu và coi rác như nguồn tài nguyên cần khai thác cần được xem xét, đánh giá đầy đủ cũng như có lộ trình cụ thể trong việc hoàn thiện công nghệ, ban hành các cơ sở pháp lý cần thiết cho việc triển khai.
Với các đô thị có lượng rác thải phát sinh hàng nghìn tấn/ngày đêm, việc xử lý tập trung, áp dụng tách chọn các thành phần hữu cơ làm phân compost, chất thải từ vật liệu xây dựng để hóa rắn làm gạch không nung, tận dụng nhiệt từ các chất thải trơ có thể cháy được để đốt phát điện cần có chính sách khuyến khích đặc biệt. Trong đó, việc nhập và giải mã công nghệ cần trú trọng thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện công nghệ trong nước, thay vì triển khai dự án dưới hình thức BO hoặc BOT.
3. Thực tế triển khai và bài học kinh nghiệm
Trên thực tế triển khai, nhóm nghiên cứu đã đạt một số thành quả nhất định về mặt kỹ thuật, cụ thể:
- Triển khai dây chuyền thiết bị lò đốt tiêu hủy chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ, công suất đến 100 tấn/ngày đêm, hệ thống vận hành ổn định, khói thải cháy kiệt, nồng độ các thành phần khí thải thấp hơn quy chuẩn hiện hành.
- Triển khai lò hơi tận dụng nhiệt từ chất thải công nghiệp đến 15 tấn/giờ, áp suất sinh hơi đến 15 bar, cấp hơi bão hòa cho các hộ sử dụng hơi trong công nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề cấp phép trong vận hành còn vướng mắc, các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, thiếu căn cứ để thực hiện.
- Các lò đốt công suất nhỏ dưới 1 tấn/giờ đã đạt đến mức độ sản phẩm thương mại hóa, vận hành tại nhiều địa phương trong toàn quốc. Một trong các sản phẩm đã được cấp phép của Bộ xây dựng là lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha. Các sản phẩm khác đã đăng ký sử hữu trí tuệ như lò hơi đốt nhiên liệu giàu chất bốc Greentech HFB, lò đốt chất thải công nghiệp CONI, lò đốt chất thải y tế Vite.
- Khí thải và thiết bị đáp ứng các quy chuẩn hiện hành: QCVN 30:2012/BTNMT đối với lò đốt công nghiệp; QCVN 61-MT:2016/BTNMT đối với chất thải rắn sinh hoạt,..
Hình 2. Lò hơi đốt chất thải rắn công nghiệp, công suất sinh hơi 15 tấn/giờ.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã đúc rút được một số bài học kinh nghiệm và những vướng mắc về mặt pháp lý hiện nay, như:
- Các doanh nghiệp xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn: không có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện các dự án đầu tư, chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ để triển khai các nội dung còn vướng mắc (giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường, cơ sở giải ngân nguồn vốn), việc đánh giá và lựa chọn công nghệ còn nhiều hạn chế - thiếu các chuyên gia có năng lực và kinh nghiệm, cơ chế vận hành và hỗ trợ tài chính thiếu thống nhất và chưa kịp thời, nhân sự tiếp nhận các dự án đầu tư còn yếu - thiếu năng lực, ….
- Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu chưa có động lực để phát huy hay tập hợp sức mạnh để cùng phát triển một dây chuyền xử lý rác thải đồng bộ, kết nối, tích hợp các công đoạn khác nhau sao cho hiệu quả và bền vững.
- Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các ban ngành quản lý nhà nước thường rất chậm và không thực sự hiệu quả đối với các dự án môi trường được xã hội hóa.
4. Đề xuất hướng nghiên cứu, thực hiện trong tương lai
Với những tồn tại lớn hiện nay, hướng nghiên cứu và các công việc cần thực hiện trong tương lai, cần lưu ý đến các điểm sau:
- Quy hoạch các khu xử lý rác thải tập trung đồng bộ trong công nghệ và tăng hiệu quả xử lý.
- Cần xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ nghiên cứu, phân tích và ứng dụng triển khai các kỹ thuật xử lý rác thải tập trung: phân loại, tái chế, đốt, ủ phân…
- Xem xét mua trọn gói hoặc nhập các công nghệ phù hợp trong việc xử lý rác thải sinh hoạt đô thị để phát điện, tiến đến làm chủ công nghệ, nhân rộng mô hình trong phạm vi toàn quốc trên các thành phố lớn, quy mô từ 1.000 tấn/ngày trở lên.
- Nghiên cứu hoàn thiện một khu xử lý rác thải quy mô vừa 50-100 tấn/ngày đêm với tất cả các công đoạn và tập hợp các công nghệ xử lý để làm mẫu, thẩm định làm căn cứ cho việc nhân rộng trong phạm vi toàn quốc.
- Với các quy mô cấp xã, hoặc cụm xã, có lượng chất thải nhỏ hơn <10 tấn/ngày đêm, cự ly vận chuyển về các bãi tập trung quá xa (>50km), nên áp dụng các lò đốt nhỏ để xử lý tại chỗ.
5. Kết luận
Việc thực hiện công tác thu gom, kết hợp công tác truyền thông phân loại tại nguồn cần tiếp tục nghiên cứu và chấn chỉnh để hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị.
Công tác nghiên cứu hoàn thiện các dây chuyền thiết bị phân loại chất thải, phát triển công nghiệp tái chế, cần chú trọng và triển khai nhiều cấp độ để đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm trung chuyển.
Xem xét sử dụng nhiên liệu đã qua xử lý từ chất thải rắn sinh hoạt đô thị cấp cho lò hơi tại các khu công nghiệp như một hướng đột phá công nghệ để góp phần giải quyết vấn đề rác thải đô thị, giảm áp lực đáng kể đến năng lượng hóa thạch hiện nay.
Các biện pháp quản lý cần tăng cường, tương thích với trình độ phát triển của khoa học công nghệ và xu thế phát triển của xã hội.